Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Điếu Cày Thú Chơi Độc Đáo Dân Dã





Những chiếc điếu cày hình thù cổ quái hay còn gọi là điêu quái có giá lên tới chục triệu đồng.
Điếu cày cùng ấm chè xanh trên chiếc chõng tre từ lâu đã trở thành hình ảnh thân thuộc ở các làng quê Việt. Thời gian gần đây, thú chơi điếu cày đang rộ lên mạnh mẽ. Tìm hiểu mới biết, thú chơi tao nhã này cũng không kém phần cầu kỳ.
Đơn giản nhưng lắm công phu
Về ngã ba Núi Chẹt (Quảng Lĩnh, Quảng Xương, Thanh Hóa), không ai không biết anh Đỗ Văn Nhẫn với nghề làm điếu cày. Trong gian nhà nhỏ chưa đầy chục mét vuông, nhìn những khúc tre, trúc, nứa… ngổn ngang, đủ loại hình thù cùng bộ sưu tập điếu cày mới thấy cái thú chơi tao nhã này dường như đã ngấm vào máu thịt gia chủ. Ngồi nhìn anh tỉ mẩn tỉa tót, đẽo gọt từng mắt tre, đan từng sợi mây thành những vòng hoa văn quanh miệng điếu mới thấy công phu để tạo ra một chiếc điếu đẹp không hề dễ chút nào. Đấy là còn chưa kể tới việc nhiều chiếc điếu đã thành phẩm, sau một hồi trưng bày, ngắm nghía, thấy chưa ưng mắt, anh lại mang xuống tiếp tục nắn nót, gọt dũa…
Bước sang tuổi 50 nhưng anh Nhẫn đã có “thâm niên” hơn hai chục năm làm điếu. Chỉ tay vào một chiếc điếu cày thành phẩm, anh bộc bạch chia sẻ: “Để có được bộ sưu tập như thế này, ngoài thời gian ngồi làm điếu, tôi còn phải lặn lội khắp các làng quê, thậm chí chạy xe máy lên các huyện miền núi. Cứ ở đâu thấy có tre, nứa đạt các yếu tố đẹp, độc, dị, lạ, tốt là tôi tìm tới để chọn những khúc tre, khúc nứa ưng ý nhất mang về”.
Sau khi sưu tầm được vật liệu làm điếu ưng ý, về đến nhà, anh Nhẫn bắt đầu công việc chế tác của mình. Đối với điếu làm bằng tre, anh phải cạo sạch lớp cật tre bên ngoài, dùng giấy ráp đánh sạch sẽ. Rồi anh cho điếu vào nồi luộc hơn 30 phút để xử lý hết chất hữu cơ tự nhiên có trong thân tre, tránh mối, mọt sau này. Công đoạn cuối cùng là ngâm điếu trong nước… bã rượu (có nơi gọi là bã hèm - bã được làm từ cơm ủ với men rượu đã lên men, dân gian thường ngâm bã hèm trong nước sạch rồi chưng cất nấu lấy rượu - PV). Nếu không ngâm điếu bằng bã rượu, khi sử dụng, điếu cày sẽ không “lên nước”.
Điếu cày “lên nước” là chỉ chiếc điếu cày sau một thời gian sử dụng, dưới tác dụng của khói thuốc có hơi nóng phía trong ống điếu, phía ngoài điếu sẽ dần dần chuyển từ màu vàng thô sơ tự nhiên vốn có sang màu đen bóng với những hình hoa văn “trời phú” đẹp mắt. Chiếc điếu “lên nước” càng nhiều hình thù hoa văn kỳ quái “độc nhất vô nhị”, chủ nhân sở hữu càng được đánh giá là “dân sành điệu về… điếu”, được giới hút thuốc lào nể trọng. Một chiếc điếu “lên nước” đẹp mắt có giá lên tới cả chục triệu đồng, nhưng chủ sở hữu rất ít bán, chủ yếu để thể hiện đẳng cấp sành điệu của mình.


 

 


Thú chơi bình dân
Tìm hiểu được biết, giá trị của một chiếc điếu cày trước hết phụ thuộc vào việc chọn được thân ống tre (hoặc nứa) loại bánh tẻ, vóc dáng vừa vặn, có ụ mắt đẹp, có thể tạo được những họa tiết sinh động và được xử lý đúng quy trình để khi dùng sẽ “lên nước” bóng loáng. Nếu như làm thân điếu đã kỳ công, khâu làm nõ điếu cũng kỳ công không kém. Hiện tại, nõ điếu được cho là đạt tiêu chuẩn phải được làm từ gỗ. Tùy từng loại gỗ mà định giá sản phẩm. Bình quân, một chiếc nõ điếu làm từ gỗ mun thường có giá dao động từ 250.000 -500.000 đồng. Có chiếc nõ được làm từ gỗ mun sừng (loại gỗ hiếm, màu đen bóng như sừng) có giá trên 1 triệu đồng. Cuối cùng là chân điếu. Thường thì chân điếu được làm bằng gỗ, tạo dáng cá, dáng rồng tùy theo sở thích của khách. Nhưng cũng có những khách hàng cầu kỳ, đặt làm chân điếu bằng sừng nai, sừng hoẵng hoặc bằng răng nanh lợn lòi…, đẩy giá của chiếc điếu cày lên đến cả chục triệu đồng.
Bên cạnh dòng sản phẩm thông thường, một số dân chơi điếu cày còn chú tâm tìm chơi dòng điếu “dị”, “độc”, “cổ quái”. Những chiếc điếu này thường được anh Nhẫn dày công tìm kiếm từ những bụi tre cằn cỗi, lâu năm… để cho ra những chiếc điếu có thân liền với gốc, dáng uốn lượn hợp lý và có những ụ mắt kỳ dị… Anh Nhẫn cho biết, với dòng sản phẩm này, gặp dân chơi sành điệu, họ sẵn sàng bỏ ra dăm bảy triệu đồng để sở hữu.
Trong gian hàng của mình, anh Nhẫn bày nhiều loại điếu cày, phục vụ nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng, từ những người nông dân lam lũ đến dân chơi sành điệu. Theo đó, một chiếc điếu cày loại “bình dân” có giá từ 250.000 - 700.000 đồng, nhóm hàng “thường thường bậc trung” có giá từ 1 triệu - 2,5 triệu đồng/chiếc và cuối cùng là nhóm hàng “xịn”, “dị”, “độc”, rẻ nhất cũng phải từ 3 triệu đồng/chiếc trở lên.



Quý ai như quý điếu cày
Nhiều dân chơi điếu cày khi sở hữu một chiếu điếu vừa ý sẽ giữ gìn, nâng niu như con đẻ, mất điếu cày còn buồn hơn mất xe. Anh Nguyễn Hồng Lâm (quê ở Phố Cung, Quảng Ninh, Quảng Xương, Thanh Hóa) cho biết: “Tháng trước, vì sơ ý mà kẻ gian đã lấy trộm chiếc điếu trị giá 2,5 triệu đồng của tôi. Tìm mãi mới được cái ưng ý nên phải giữ thôi, có khi phải dùng khóa xích lại. Giờ mấy đứa nghiện đi qua, xe máy bỏ đó nó không lấy vì khó tiêu thụ, mà nó chuyển sang lấy điếu cày mới bực. Điếu của mình nó mang đi, rẻ cũng kiếm được triệu bạc dễ như chơi”.
Hút điếu cày cũng khá kỳ công, khi hút điếu cày làm từ ống tre, do có lớp vỏ cứng, người hút có thể dùng tay vỗ vào miệng điếu hoặc lấy hơi từ bụng thổi cho “sái thuốc” (phần thuốc lào chưa đốt cháy hết - PV) ra khỏi nõ điếu. Nhưng nếu hút thuốc lào điếu cày làm bằng ống cây nứa - có thân mềm hơn vỏ tre - người hút phải khá nhẹ nhàng, theo kiểu “nâng như nâng trứng, hút như hút… điếu cày ống nứa”. Khi đã hút xong một điếu thuốc lào, người hút tuyệt đối không được dùng tay vỗ hoặc thổi hơi vào miệng ống để đẩy “sái thuốc” ra khỏi nõ điếu, vì có thể làm vỡ điếu hoặc lần sau hút điếu cày sẽ không kêu “ríttt ríttt” vui tai. Lúc này, người hút điếu cày ống nứa phải dùng lông đuôi gà ngoáy từ từ, chậm rãi vào nỏ điếu để lấy “sái thuốc”, vì vậy dân gian mới có câu ca: “Đàn ông phải có đàn bà, điếu cày phải có lông gà mới kêu” - tất cả là để nói lên sự cầu kỳ nhưng lại thanh cao của thú chơi dân dã này.
Theo sự giới thiệu của anh Nhẫn, chúng tôi tìm đến một khách hàng của anh ở Quảng Khê, Quảng Xương (xin được giấu tên vì sợ trộm - PV) hiện đang sở hữu chiếc điếu trị giá gần 5 triệu đồng. Khi chúng tôi đến thăm, đang lúc nông nhàn, anh niềm nở mời chúng tôi ngồi trên chõng tre đặt giữa vườn cây cảnh, với bộ ấm chè xanh. Sau một hồi trò chuyện tâm sự, anh rít một hơi thuốc lào giòn tan, ngửa đầu phả khói lên, trong cơn thống khoái do thuốc lào mang lại, anh chậm rãi ngâm lên bài thơ “Tâm sự cái điếu cày”: “Em con gái nhà họ trúc. Miệng xinh tròn, tầm vóc cũng vừa thôi. Chân em nhỏ, rốn em lồi. Các anh trông thấy là muốn ngồi kết bạn. Có điều, em lấy làm e thẹn. Khi em ngồi, chân chạng, miệng… toét loe. Khi em cười, sằng sặc khó nghe. Khi em hát, giọng vang lanh lảnh...”.
































































0 nhận xét :